Sơn chống rỉ là một biện pháp giúp bảo vệ bề mặt kim loại tránh bị oxi hóa, ngăn ngừa sự ăn mòn. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại sơn chống rỉ khác nhau. Việc tìm hiểu “sơn chống rỉ là gì? Có những loại nào cũng như cách sử dụng sơn thế nào cho hiệu quả?…” sẽ giúp bạn đọc chọn lựa được loại sơn chống rỉ phù hợp với mục đích sử dụng.
1. Sơn chống rỉ là gì?
Sơn chống rỉ sét là một dòng sơn chuyên dụng được sử dụng để bảo vệ các bề mặt kim loại tránh xảy ra quá trình oxi hóa dưới tác động của môi trường. Sơn chống rỉ được coi là một phương pháp chống lại sự ăn mòn kim loại được sử dụng phổ biến hiện nay.
Sơn chống rỉ sét là gì?
Một số thương hiệu sơn chống rỉ phổ biến trên thị trường hiện nay như là:
- Sơn chống rỉ Jotun.
- Sơn chống rỉ đại bàng.
- Sơn chống rỉ Nippon.
- Sơn chống rỉ Drugo.
- Sơn chống rỉ Maxilite
….
2. Tác dụng của sơn chống rỉ
Không chỉ có tác dụng chống oxy hóa mà sơn chống rỉ sét còn mang đến nhiều lợi ích cho vật liệu. Các tác dụng của sơn chống rỉ bao gồm:
2.1 Chống rỉ sét, ăn mòn kim loại
Đây là tác dụng chính khi sử dụng sơn chống rỉ. Hiện tượng rỉ sét xảy ra khi kim loại (sắt) tiếp xúc và phản ứng với oxy khi có nước hoặc trong môi trường không khí nóng ẩm. Rỉ sét tạo các mảng bám, bong tróc màu nâu đỏ; ảnh hưởng đến cấu trúc, kết cấu của vật liệu dẫn đến làm hư hỏng các công trình xây dựng, thiết bị máy móc, tổn thất lớn về kinh tế…
Khi sử dụng sơn chống rỉ lên vật liệu sẽ tạo lớp bảo vệ có độ che phủ cao, bám dính tốt, bảo vệ cấu trúc vật liệu ngay từ bên trong. Do đó, sơn lót chống rỉ được coi là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay với khả năng chống rỉ cao, chống các tác nhân gây ăn mòn, kéo dài tuổi thọ cho vật liệu.
Sơn chống rỉ bảo vệ vỏ tàu biển, tránh ăn mòn
2.2 Tăng khả năng bám dính, tiết kiệm lớp sơn phủ
Ngoài tác dụng chống rỉ thì sử dụng sơn lót chống rỉ giúp tăng khả năng bám dính. Mặc dù trước khi thi công, bề mặt vật liệu đều được làm sạch nhưng nếu được sơn phủ thêm lớp lót nữa sẽ tạo nhiều chân bám hơn. Sơn chống rỉ có độ bám dính tốt nên khi thi công các lớp sơn sau sẽ giúp tăng độ bám dính hơn.
Lớp sơn phủ thông thường không có khả năng chống rỉ dễ khiến bề mặt kim loại dễ bị ăn mòn. Nếu chỉ có lớp sơn phủ bên ngoài thì độ cứng của màng sơn sẽ giảm dần và dễ xảy ra hiện tượng bong tróc, trầy xước; làm giảm tính thẩm mỹ và kết cấu công trình. Đối với khu vực có môi trường khắc nghiệt, sử dụng sơn chống rỉ 2 thành phần làm lớp lót sẽ tăng khả năng chống chịu cho bề mặt vật liệu.
Khi sử dụng sơn chống rỉ làm lớp sơn lót sẽ tiết kiệm lượng sơn phủ nhiều hơn, giảm chi phí.
2.3 Tăng tính thẩm mỹ cho vật liệu
Lớp sơn chống rỉ có tác dụng giữ nguyên màu sắc cũng như cấu trúc của vật liệu, giúp duy trì bề mặt của kim loại luôn ở trạng thái an toàn, đẹp mắt, không bị bạc màu, có mảng rỉ sét.
2.4 Tiết kiệm chi phí sửa chữa
Sử dụng sơn chống rỉ ngay từ đầu, giúp kéo dài tuổi thọ của vật liệu. Nếu đợi đến khi sắt thép bị gỉ rồi mới khắc phục thì rất tốn kém về thời gian và tiền bạc. Sử dụng sơn chống rỉ giúp tiết kiệm được khoản chi phí rất lớn cho việc bảo dưỡng, sửa chữa, tân trang.
3. Sơn chống rỉ có những loại nào?
Sơn chống rỉ được chia thành 2 loại gồm có sơn chống rỉ 1 thành phần và sơn chống rỉ 2 thành phần.
3.1 Sơn chống rỉ alkyd
Sơn chống rỉ 1 thành phần hay còn gọi là sơn chống rỉ alkyd. Loại sơn này có các đặc điểm như sau:
- Thành phần là các hợp chất hữu cơ gốc alkyd hay acrylic. Sơn alkyd thích hợp sử dụng cho các thiết bị kim loại, công trình kiến trúc dân dụng hoặc nơi có môi trường khí hậu bình thường, không quá khắc nghiệt.
- Có độ bám tốt, độ phủ cao, thời gian khô nhanh (khoảng 20 phút).
- Dễ pha chế khi sử dụng.
- Giá thành rẻ.
- Có 3 màu cơ bản là nâu đỏ, đỏ và ghi xám.
3.2 Sơn chống rỉ epoxy
Sơn chống rỉ epoxy là sơn chống rỉ 2 thành phần, có những tính chất đặc trưng là:
- Thành phần gồm có sơn gốc epoxy cùng với chất đóng rắn. Nhờ vậy mà màng sơn có độ vững chắc hơn, có khả năng chống chịu hơn so với sơn chống rỉ 1 thành phần.
- Có khả năng chịu nhiệt, chống lại tia UV, các va đập mạnh, các thời tiết môi trường cực đoan như nước biển, sương gió, hóa chất…
- Là loại sơn chuyên dụng cho các công trình kiến trúc lớn, tại nơi có khí hậu khắc nghiệt như: Khung nhà thép, cột thu lên sóng truyền hình, nhà giàn, giàn khoan ngoài biển và hải đảo, vỏ tàu thủy, hệ thống thiết bị trang thiết bị công nghiệp.
- Đa dạng về màu sắc. Ngoài 3 màu như sơn 1 thành phần thì có thêm cả màu xanh, xám bạc, nhũ bạc…
Sơn lót chống rỉ Epoxy
4. Cách sử dụng sơn chống rỉ
Để sử dụng sơn chống rỉ đạt hiệu quả tốt, khi thi công cần thực hiện theo đúng quy trình.
4.1 Chuẩn bị
Trước khi thi công thợ sơn cần xử lý bề mặt, làm sạch các bụi bẩn, đất cát, dầu mỡ và các tạp chất làm giảm độ bám dính của sơn. Đối với lớp sơn cũ đã bong tróc cần cạo sạch, tẩy rỉ bằng giấy nhám, bàn chải hoặc chất tẩy sơn.
Cần chở bề mặt khô ráo mới tiến hành quét sơn. Tuyệt đối không được quét sơn khi bề mặt vẫn còn ướt.
Có thể sử dụng máy phun sơn, cây lăn sơn, chổi cọ để phủ sơn lên bề mặt phụ thuộc vào từng kết cấu vật liệu.
Làm sạch bề mặt vật liệu trước khi phủ sơn chống rỉ
4.2 Cách pha sơn chống rỉ
Để pha sơn chống rỉ các thợ sơn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và làm theo chỉ dẫn của nhà sản xuất khuyến cáo.
- Cần chọn loại dung môi đồng bộ với dòng sơn cần sử dụng.
- Pha chế sơn theo đúng tỷ lệ: Với 1 lít sơn chống rỉ thường pha với dung môi theo tỷ lệ 5-10% khi dùng máy phun sơn và khoảng 5% nếu dùng cho chổi lăn sơn.
- Khuấy đều sơn trước khi sử dụng để tránh sơn bị đọng dưới đáy thùng.
4.3 Điều kiện thi công
Điều kiện môi trường khi thi công cũng là 1 yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và độ bền của lớp sơn chống rỉ.
Nhiệt độ thích hợp để thực hiện thi công ở trong khoảng từ 28-35 độ C. Với các thiết bị được phủ sơn trong nhà thì cần thực hiện tại nhà xưởng khô ráo, kiểm soát nhiệt độ. Với các công trình thi công ngoài trời thì không thực hiện sơn khi trời đang mưa, độ ẩm đang cao, nhất là với thời tiết nồm ẩm.
Mỗi loại sơn khác nhau có thời gian khô khác nhau. Thời gian trung bình để các loại sơn khô là khoảng 6h. Cần chờ cho lớp sơn khô hẳn mới tiếp tục sơn phủ các lớp tiếp theo (có thể kiểm tra bằng cách chạm nhẹ vào 1 góc sơn để xem độ dính). Để đảm bảo chúng ta cần thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
5. Bảo quản sơn chống rỉ
Các điều kiện để bảo quản sơn chống rỉ gồm có:
- Bảo quản sơn chưa sử dụng tại nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp.
- Với các sơn đã pha cần sử dụng nhanh, tránh để lâu. Vì vậy cần tính toán kỹ lượng sơn cần sử dụng để tránh lãng phí. Nếu sơn trong hộp đã mở nắp chưa dùng hết cần dùng màng nilon bọc lại rồi đậy chặt và nhanh chóng sử dụng hết trong khoảng thời gian quy định của nhà sản xuất.
- Với sơn chống rỉ quá hạn sử dụng cần xử lý theo đúng quy định được ban hành.
Sơn chống rỉ là một sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong đời sống giúp bảo vệ đồ dùng, thiết bị máy móc, các công trình xây dựng. Hy vọng qua bài viết trên đây giúp mọi người có thể chọn được loại sơn phù hợp cũng như biết cách sử dụng sơn chống rỉ đạt hiệu quả cao nhất.